Người dân thủ đô xếp hàng dài làm thủ tục nhà đất trước ngày 1/8
Ngày 30/7, để lấy được số thứ tự vào làm thủ tục sang tên đất, chị Hương (Hà Đông, Hà Nội) kể chị đã bỏ bữa trưa đến xếp hàng từ 12h tại cổng Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông (Hà Nội). Lượng người đến làm giấy tờ đất đai rất đông nên nếu tới muộn có thể chị sẽ phải chờ tới ngày hôm sau. Lấy được số ngoài cổng, chị tiếp tục chờ lấy số ở bên trong và chờ tới lượt làm thủ tục.
Chị Hương nói, do từ ngày 1/8, các luật mới về bất động sản có hiệu lực sẽ không tính lệ phí trước bạ sang tên sổ đỏ theo bảng giá đất mà theo khung giá đất sát với thị trường. Chị lo ngại điều này sẽ khiến tiền lệ phí tăng cao hơn. Tranh thủ luật cũ vẫn còn hiệu lực, chị nộp hồ sơ sang tên để được xét duyệt.
Ghi nhận tại một số văn phòng đăng ký đất đai tại Hà Nội cho thấy, từ 12h ngày 30/7, người dân đã xếp hàng chờ tới lượt (Ảnh: Dương Tâm).
Cũng tại Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông, anh Nguyễn Quyết xếp hàng từ 11h30 trưa để buổi chiều được vào sớm làm thủ tục sang tên mảnh đất được bố mẹ cho. Dù chưa tìm hiểu sau ngày 1/8 thuế phí đối với trường hợp sang tên đất cho tặng có tăng không ra sao nhưng anh nói "vẫn tranh thủ đi làm sớm theo luật cũ".
Tuy nhiên, theo anh Thanh Tùng, chủ một quán cà phê đối diện Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông (Hà Nội), thực tế, không chỉ khi luật về bất động sản mới sắp có hiệu lực người dân mới xếp hàng dài chờ đến lượt, mà tình trạng này ngày nào cũng diễn ra. Thậm chí, để hoàn thành thủ tục sớm, nhiều người tới xếp hàng từ 4h.
Tình cảnh người dân chờ đợi được giải quyết thủ tục đất đai cũng diễn ra tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội (tại đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân). Anh Tuân - môi giới nhà đất - kể từ 2 tuần trước anh đã tới nộp hồ sơ sang tên cho khách hàng. Hôm nay, anh đã đến chờ từ 12h để nhận hồ sơ sớm về bàn giao lại cho khách.
Khung cảnh bên trong khu vực trả kết quả tại Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông (Ảnh: Dương Tâm).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, thực tế, người dân xếp hàng dài tại văn phòng đăng ký đất đai thời gian gần đây không chỉ thực hiện sang tên mà còn các hoạt động thủ tục khác như giải chấp, thế chấp bất động sản.
Tại văn phòng đăng ký đất đai quận Thanh Xuân (phố Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân) khoảng 10h30 ngày 30/7 cũng có khá đông người dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai nhưng không có hiện tượng xếp hàng dài như tại Hà Đông.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một bảo vệ văn phòng đất đai quận Thanh Xuân nói lượng người đến thực hiện thủ tục hành chính tại đây nhiều hơn so với cách đây vài tuần. Theo ông này, mấy ngày hôm nay, bất chấp trời mưa, lượng người đến văn phòng đất đai này vẫn nhiều hơn bình thường.
Dù thế, ông cho biết lượng người có tăng so với trước đây nhưng không đông bằng khoảng tháng 2, tháng 4 vừa qua. Thời điểm đó, người dân đến đây xếp hàng lấy số thứ tự để làm thủ tục từ 2h.
Ông tiết lộ thêm, số lượng người đến làm thủ tục liên quan đến đất đai cũng có tính chu kỳ. Thông thường, người dân đến văn phòng đăng ký đất đai tăng mạnh vào tháng 8, tháng 9 khi giao dịch mua bán nhiều còn thời điểm tháng 7 như hiện tại thường không quá đông.
Người dân chuẩn bị giấy tờ để làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai (Ảnh: Mộc An).
Bà Nguyễn Thị Lan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói sáng 30/7, bà đến làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bán nhà. Bà chia sẻ, bà đến văn phòng đăng ký đất đai do nhu cầu giao dịch chứ không phải do bị ảnh hưởng tâm lý phải làm thủ tục trước khi các luật có hiệu lực.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí cho thấy đến 11h30 ngày 30/7, mặc dù đã hết giờ phát số thứ tự nhưng có một số người đến giữ chỗ để được nhận số sớm nhất vào 13h20 buổi chiều. Một số người dân thậm chí không ăn trưa mà ngồi tại văn phòng chờ đến giờ làm thủ tục.
Về vấn đề người dân lo lắng khi luật mới về bất động sản được áp dụng, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho rằng, luật cũ vẫn sử dụng khung giá đất để tính lệ phí trước bạ nên khi chuyển nhượng, người dân chỉ cần khai bằng hoặc cao hơn một chút so với giá tối thiểu là có thể sang tên.
Khung giá đất hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế, nên người chuyển nhượng chỉ phải nộp phí trước bạ một phần rất nhỏ so với giá trị thực của mảnh đất.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 đã bỏ khung giá đất, thay vào đó là bảng giá đất hàng năm sát hơn giá thị trường hơn. Chẳng hạn, mới đây, TPHCM công bố bảng giá đất điều chỉnh dự kiến áp dụng từ 1/8. Theo bảng này, có nơi tăng tới 51 lần. Do đó, phí trước bạ cũng sẽ tăng tương ứng.
Ông Vinh cho rằng, chỉ những người giao dịch, chuyển nhượng sau ngày 1/8 mới bị ảnh hưởng. Còn những người nhận tặng, cho không cần lo lắng.
Báo Dân trí