Moving Image
Bên bạn trên mọi cung đường
ksdvkjsdhvjk

Phương pháp thành lập bản đồ địa chính

Tháng bảy 18, 2024 - 10:16
 0  12

Nội dung chi tiết về Quy trình thành lập bản đồ địa chính

1.       Xây dựng lưới địa chính

·       Thiết kế, chọn điểm, đúc mốc, chôn mốc và lập ghi chú điểm

Thiết kế: lưới địa chính được thiết kế thành từng cặp điểm thông hướng hoặc thông hướng với các điểm tọa độ Nhà nước. Tọa độ của các điểm địa chính được xác định bằng công nghệ GNSS trên cơ sở đo nối tọa độ từ các điểm tọa độ Nhà nước. Tính toán bình sai trên hệ toạ độ VN-2000, múi chiếu 30, kinh tuyến trục theo tỉnh. Các điểm địa chính phân bố đều trong các khu đo thuộc địa bàn các xã tạo thành mạng lưới tam giác và tứ giác và được đo nối với tối thiểu 03 điểm khống chế tọa độ nhà nước hạng III trở lên.

Chọn điểm: Các điểm địa chính phải được chọn ở vị trí thoả mãn các quy định sau:

- Có khả năng thông hướng với xung quanh là tốt nhất, thuận tiện cho việc phát triển lưới khống chế cấp thấp hơn và phục vụ đo vẽ chi tiết sau này.

- Vị trí đặt mốc đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài trên thực địa, có nền vững chắc khi chôn mốc không bị hư hại.

- Vị trí đặt mốc đảm bảo tầm quan sát vệ tinh thông thoáng, các điểm phải đảm bảo có góc mở lên bầu trời lớn hơn 1200; ở xa các trạm thu phát sóng tối thiểu 500 mét; xa các trạm biến thế, đường dây điện cao thế, trạm điện cao áp tối thiểu 50 mét.

Đúc mốc: Mốc và tường vây được làm bằng bê tông đạt mác 200 trở lên, quy cách mốc và tường vây tuân theo mẫu phụ lục 6 của Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính.:

Chôn mốc: Trước khi chôn mốc, đơn vị thi công phải lập Biên bản thỏa thuận sử dụng đất để chôn mốc, xây tường vây bảo vệ mốc địa chính với người sử dụng đất theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT. Trường hợp chôn mốc ở khu vực không có người sử dụng đất phải thông báo về việc chôn mốc, xây tường vây bảo vệ mốc địa chính bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi chôn mốc theo mẫu quy định tại Phụ lục 05 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT Quy định về bản đồ địa chính. Sau khi chôn mốc xong phải lập Biên bản bàn giao mốc địa chính cho UBND cấp xã nơi chôn mốc theo mẫu ở phụ lục 8 của Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT để quản lý và bảo vệ. Biên bản được lập thành 2 bản, 1 bản bàn giao cho UBND cấp xã; 1 bản bàn giao cho sở Tài nguyên & Môi trường lưu giữ.

Lập ghi chú điểm: Khi hoàn thành việc chôn mốc tại thực địa phải lập Ghi chú điểm tọa độ địa chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT Quy định về bản đồ địa chính. Để thống nhất cho công tác lập ghi chú điểm, nay quy định cụ thể thêm như sau:

- Khi vẽ ghi chú điểm cần lưu ý chọn 3 vật có tính chất cố định nhất, đặc trưng nhất trong khu vực gần mốc làm vật chuẩn.

- Đường đi tới điểm lấy mốc xuất phát từ UBND cấp xã nơi có điểm đó.

·       Đo đạc, tính toán lưới địa chính: 

Lưới địa chính được đo bằng công nghệ GNSS. Sử dụng các máy thu có trị tuyệt đối của sai số đo cạnh ≤ 10 mm + 2.D mm (D: tính bằng km).

Trước khi sử dụng máy thu phải kiểm tra hoạt động của máy thu và các thiết bị kèm theo, khi hoạt động bình thường mới được đưa vào sử dụng.

Trước khi đo phải lập lịch đo, khi lập lịch đo được phép sử dụng lịch vệ tinh quảng bá không có nhiễu cố ý SA (Selective Availabitily) để lập nhưng không được cũ quá 01 tháng tính đến thời điểm lập lịch đo. Các tham số cần khai báo vào phần mềm lập lịch đo gồm ngày lập lịch đo; vị trí địa lý khu đo (tọa độ địa lý xác định trên bản đồ, lấy theo trung tâm khu đo, giá trị B, L xác định đến phút); số vệ tinh cần quan sát là 4; PDOP lớn nhất cho phép quan sát là 4; khoảng thời gian tối thiểu của ca đo là 60 phút; góc ngưỡng 15 độ.

Trong quá trình đo, tại mỗi điểm trạm đo phải thực hiện các thao tác sau:

+ Dọi tâm và cân bằng máy chính xác, sai số dọi tâm không quá 2 mm.

+ Chiều cao ăng ten được tính trung bình từ 03 lần đo độc lập vào các thời điểm bắt đầu đo, giữa khi đo và trước khi tắt máy thu, đọc số đếm milimet, giữa các lần đo không lệch quá 2 mm.

+ Nhập tên điểm trạm đo vào máy, đối với máy không nhập được trực tiếp thì phải nhập ngay khi trút số liệu sang máy tính.

Các yêu cầu cơ bản khi đo lưới địa chính như sau :

STT

Tiêu chí đánh giá

Chỉ tiêu kỹ thuật

1

Phương pháp đo

Đo tĩnh

2

Sử dụng máy thu có trị tuyệt đối của sai số đo cạnh

≤ 10 mm+2.D mm

3

Số vệ tinh khỏe liên tục

≥ 4

4

PDOP lớn nhất

≤ 4

5

Góc ngưỡng cao cài đặt trong máy thu

≥ 150

6

Thời gian đo ngắm đồng thời

≥ 60 phút

7

Số hướng đo nối tại 1 điểm

≥ 3

* Xử lý tính toán theo quy định sau:

- Sử dụng các phần mềm phù hợp với loại máy thu tín hiệu vệ tinh để giải tự động véc tơ cạnh.

- Khi sử dụng máy thu tín hiệu vệ tinh nhiều chủng loại, nhiều hãng sản xuất khác nhau để lập cùng một lưới phải chuyển file dữ liệu đo ở từng máy sang dạng RINEX.

- Khi tính khái lược véc tơ cạnh phải đảm bảo các chỉ tiêu sau:

+ Lời giải được chấp nhận:       Fixed

+ RATIO > 1.5: Chỉ tiêu Ratio chỉ xem xét đến khi lời giải là Fixed.

+ Sai số trung phương khoảng cách: RMS < 20 mm + 4. D mm. Trong đó: D là chiều dài cạnh tính bằng đơn vị km.

+ Trị tuyệt đối sai số khép hình giới hạn tương đối khi xử lý sơ bộ cạnh        (Fs/[S]) ≤ 100.000 (khi [S] ≥ 5 km); ≤ 5 cm (khi [S] < 5 km, dH ≤ 30√[S]mm ).

- Bình sai lưới trong hệ toạ độ VN 2000, múi chiếu 3 độ, kinh tuyến trục theo tỉnh.

- Việc bình sai lưới chỉ được thực hiện sau khi tính khái lược cạnh và sai số khép cho toàn bộ mạng lưới đạt chỉ tiêu kỹ thuật nêu trên.

- Độ cao của các điểm địa chính được xác định đồng thời với quá trình đo và tính toán tọa độ mặt bằng. 

* Các sai số sau bình sai:

+ Sai số trung phương vị trí điểm £ 0.05m

+ Sai số trung phương phương vị £ 5”(đối với cạnh ≥ 400 m)

+ Sai số trung phương phương vị £ 10”(đối với cạnh < 400m )

+ Sai số trung phương tương đối cạnh £ 1/50.000. (đối với cạnh ≥ 400 m)

+ Sai số trung phương tuyệt đối cạnh £ 0.012m (đối với cạnh < 400 m)

+ Sai số trung phương tuyệt đối độ cao £ 12 cm.

2. Xây dựng lưới khống chế đo vẽ

Lưới khống chế đo vẽ được thành lập nhằm mục đích tăng dày thêm các điểm toạ độ mặt phẳng đủ mật độ cần thiết đảm bảo cho công việc đo vẽ bản đồ. Cơ sở để phát triển lưới khống chế đo vẽ là các điểm địa chính trở lên.

Lưới khống chế đo vẽ bao gồm: lưới khống chế đo vẽ cấp 1 và cấp 2 đo bằng máy toàn đạc điện tử và lưới khống chế đo vẽ đo bằng công nghệ GNSS đo tĩnh, đo tĩnh nhanh hoặc đo động.

Trên đường nhựa, đường bê tông, các điểm khống chế đo vẽ được đóng bằng đinh lớn. Đối với các vùng đất khác sử dụng cọc gỗ có đóng đinh mũ làm tâm điểm khống chế đo vẽ, đảm bảo độ bền vững trong suốt thời gian thi công và kiểm tra nghiệm thu.

Lưới khống chế đo vẽ cấp 1 được phát triển dựa trên tối thiểu 2 điểm tọa độ có độ chính xác tương đương điểm địa chính trở lên. Lưới không chế đo vẽ cấp 2 được phát triển dựa trên tối thiểu 2 điểm tọa độ có độ chính xác tương đương điểm khống chế đo vẽ cấp 1 trở lên.

Để đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1/200, 1/500 được lập lưới khống chế đo vẽ 2 cấp (cấp 1 và cấp 2) hoặc lưới khống chế đo vẽ đo bằng công nghệ GNSS đo tĩnh. Trong trường hợp đặc biệt cho phép lập lưới khống chế đo vẽ cấp 2 treo không quá 4 điểm nhưng phải đo đi và đo về ở 2 vị trí bàn độ thuận, nghịch.

Để đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1000, 1:2000, 1:5000 được lập thêm các điểm trạm đo từ lưới khống chế đo vẽ để đo hết khu vực đo vẽ, nhưng sai số trung phương vị trí điểm sau bình sai không quá 0,1 mm theo tỷ lệ bản đồ cần lập so với điểm gốc.

Lưới khống chế đo vẽ được xây dựng theo 2 phương pháp: Phương pháp áp dụng công nghệ GNSS và phương pháp đường chuyền kinh vĩ.

2.1. Phương pháp GNSS:

@. Lưới khống chế đo vẽ sử dụng phương pháp GNSS tĩnh:

* Các quy định khi sử dụng phương pháp GNSS tĩnh:

Các điểm lưới khống chế đo vẽ được chọn thành từng cặp thông hướng với nhau, điểm được chọn ở vị trí thuận tiện cho phát triển trạm đo và đo vẽ chi tiết sau này.

Lưới phải đo nối với ít nhất 3 điểm tọa độ có độ chính xác tương đương điểm địa chính trở lên.

Các yêu cầu cơ bản khi đo và tính toán như sau :

STT

Tiêu chí đánh giá

Chỉ tiêu kỹ thuật

1

Sử dụng máy thu có trị tuyệt đối của sai số đo cạnh

≤ 10 mm+2.D mm

2

Số vệ tinh khỏe liên tục

≥ 4

3

PDOP lớn nhất

≤ 4

4

Góc ngưỡng cao cài đặt trong máy thu

≥ 150

5

Thời gian đo ngắm đồng thời

≥ 15 phút

6

Sai số trương phương vị trí điểm sau bình sai

≤ 5 cm

7

Sai số trung phương tương đối cạnh sau bình sai

≤ 1/25.000

8

Sai số trung phương phương vị cạnh sau bình sai

≤ 10’’

@. Lưới khống chế đo vẽ sử dụng phương pháp GNSS động thời gian thực (Real-time Kinematic GNSS):

Đối với khu vực đo vẽ bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2000, 1/5000. Kỹ thuật đo GNSS động thời gian thực được phép áp dụng để đo lưới khống chế đo vẽ.

Đối với mỗi trạm đo, sử dụng 01 trạm gốc (Base) được đặt trên điểm gốc tọa độ có độ chính xác tương đương với điểm địa chính trở lên, có điều kiện thông thoáng bầu trời và các trạm động (Rover) tiếp cận các điểm cần đo mới. Khoảng cách từ điểm trạm gốc đến điểm cần đo mới không quá 10 km.

Trong quá trình đo phải đo kiểm tra vào ít nhất 2 điểm tọa độ gốc có độ chính xác tương đương với điểm địa chính trở lên, tại mỗi điểm gốc đo 2 lần, thời gian giãn cách giữa 2 lần đo 30”. Các điểm đo mới phải được đo 3 lần riêng biệt, thời gian giãn cách giữa các lần đo không ít hơn 30’’.

Các thông số kỹ thuật phải đảm bảo:

+ PDOP:                                   PDOP ≤ 4,0

+ Số vệ tinh:                                    Svs ≥ 4

+ Chế độ trạng thái (lời giải)     Status: Fixd

+ Sai số vị trí điểm Mp:           HRMS ≤ 0,015m.

Tọa độ của điểm khống chế đo vẽ là kết quả trung bình của 3 lần đo, tọa độ giữa 3 lần đo không được chênh nhau quá 0,02m.

Sau khi hoàn thành việc đo đạc ở thực địa, kết quả đo phải được thống kê, trong đó bao gồm danh mục điểm, các thông số khi đo, tọa độ điểm kiểm tra, tọa độ các điểm khống chế đo vẽ.

2.2. Phương pháp đường chuyền kinh vĩ:

Khởi của đường chuyền kinh vĩ nói chung là các điểm khống chế tối thiểu cao hơn một cấp trở lên. Đường chuyền kinh vĩ có thể xây dựng theo dạng đường chuyền đơn hoặc lưới có nhiều điểm nút, tuy nhiên nên xây dựng lưới có điểm nút dựa trên các điểm tọa độ cấp cao.

Dùng các máy toàn đạc điện tử để đo góc và cạnh đường chuyền kinh vĩ. Các yêu cầu kỹ thuật đối với đường chuyền kinh vĩ cấp 1, 2 được quy định theo bảng sau:

TT

Tỷ lệ bản đồ

[S]max (m)

Mβ”

fs/[S]

KV1

KV2

KV1

KV2

KV1

KV2

1

1: 500

600

300

15

15

1: 10000

1: 5000

2

1: 1000

900

500

15

15

1: 10000

1: 5000

3

1: 2000

2000

1000

15

15

1: 10000

1: 5000

4

1: 5000

4000

2000

15

15

1: 10000

1: 5000

- Đối với lưới đường chuyền, chiều dài lớn nhất giữa điểm gốc và điểm nút, giữa các điểm nút phải nhỏ hơn 2/3 chiều dài đã quy định ở bảng trên.

- Số cạnh trong đường chuyền không quá 15 cạnh.

- Sai số khép góc trong đường chuyền không được vượt quá đại lượng:

fβ=2mβ(mβ là sai số trung phương đo góc, n là số góc trong đường chuyền).

- Lưới đường chuyền kinh vĩ được bình sai bằng phương pháp gần đúng bằng các phần mềm bình sai đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép sử dụng.

- Số lần đo góc, đo cạnh được quy định như sau:

+ Đối với máy toàn đạc điện tử có độ chính xác đo góc từ 1” đến 5” thì góc của đường chuyền kinh vĩ 1, 2 đo 1 lần đo. Chênh lệch giữa 2 nửa lần đo và chênh lệch hướng quy “0” phải ≤ 20”. Đối với máy có độ chính xác từ 6” đến 10” thì đo 2 lần đo, giữa các lần đo thay đổi bàn độ đi 900. Nếu trạm đo có từ 3 hướng trở lên phải đo theo phương pháp toàn vòng.

+ Cạnh lưới đường chuyền kinh vĩ được đo 2 lần riêng biệt ở một đầu cạnh, mỗi lần đo phải ngắm lại mục tiêu, chênh lệch kết quả giữa các lần đo ≤ 2a (a là hằng số của máy)

- Số liệu đo được ghi trực tiếp vào sổ đo bằng bút mực hoặc có thể dưới dạng file kèm theo số liệu đo in thành sổ đo.

- Vị trí các điểm khống chế đo vẽ bố trí ở thực địa phải đảm bảo thuận tiện cho việc đo góc, đo cạnh và đo chi tiết sau này. Các điểm khống chế đo vẽ cần phải được lưu giữ trong suốt quá trình thi công và phục vụ kiểm tra, nghiệm thu bản đồ. Nên bố trí các điểm vào lề đường và đảm bảo không cản trở giao thông.

- Đường chuyền kinh vĩ cấp 1, 2 phải đo nối phương vị ở hai đầu đường chuyền. Ở khu vực đo vẽ giữa 2 loại tỷ lệ nếu dùng chung trong một đường chuyền kinh vĩ  thì các quy định phải tuân theo quy định của đường chuyền kinh vĩ đo vẽ cho tỷ lệ lớn hơn.

3. Xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất

3.1. Xác định ranh giới thửa đất:

Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới trên thực địa, đánh dấu các thửa đất bằng vạch sơn trên cọc bê tông hoặc cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ có liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp các bản sao các giấy tờ đó).

Ranh giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.

3.2. Lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất:

Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT cho tất cả các thửa đất trừ các trường hợp sau đây:

- Thửa đất có giấy tờ thỏa thuận hoặc văn bản xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất có bản vẽ thể hiện rõ ranh giới sử dụng đất mà ranh giới hiện trạng của thửa đất không thay đổi so với bản vẽ trên giấy tờ đó;

- Thửa đất có giấy tờ pháp lý về quyền sủ dụng đất mà trong giấy tờ đó thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất so với thửa đất liền kề và hiện trạng ranh giới của thửa đất không thay đổi so với giấy tờ hiện có;

- Thửa đất không thuộc khu vực đo mới, đo chỉnh lý hoặc thuộc khu vực đo chỉnh lý, nhưng không có thay đổi về ranh giới sử dụng đất;

- Đối với thửa đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản có bờ thửa hoặc cọc mốc cố định, rõ ràng trên thực địa thì không phải lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất nhưng sau khi có bản đồ thể hiện hiện trạng sử dụng đất phải công bố công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư trong thời gian tối thiểu là 10 ngày liên tục, đồng thời phải thông báo rộng rãi cho người sử dụng đất biết để kiểm tra, đối chiếu (đối với khu vực đo mới và đo chỉnh lý); hết thời gian công khai phải lập Biên bản xác nhận việc công khai bản đồ địa chính theo mẫu quy định tại Phụ lục số 14 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác nhận. Đơn vị đo đạc có trách nhiệm chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo (hoặc gửi) cho người sử dụng đất vắng mặt ký sau đó.

4. Đo vẽ chi tiết bản đồ địa chính:

4.1. Quy định chung khi đo vẽ chi tiết:

Trước khi tiến hành đo vẽ chi tiết, đơn vị thi công kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành công tác tuyên truyền phổ biến cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, quyền lợi khi được cấp giấy, đổi giấy CNQSDĐ để họ ủng hộ cho công tác đo đạc. Đây là công việc rất cần thiết và quan trọng.

Chỉ được tiến hành đo vẽ chi tiết sau khi đã thực hiện thi công xong lưới khống chế đo vẽ (đối với khu vực đo vẽ chi tiết bằng máy tòan đạc điện tử).

Máy móc và dụng cụ đo vẽ phải được kiểm tra, kiểm nghiệm theo yêu cầu cụ thể cho từng loại thiết bị.

4.2. Các phương pháp đo vẽ và quy định tại trạm đo:

* Các quy định chung:

Trước khi đo vẽ cần lập lược đồ chi tiết. Lược đồ chi tiết được lập ở tỷ lệ bất kỳ song không nhỏ hơn tỷ lệ bản đồ đo vẽ, trên lược đồ thể hiện vị trí tương đối ranh giới các thửa đất, hiện trạng nhà. Điều tra bước một tên người sử dụng, mục đích sử dụng đất và các loại giấy tờ pháp lý liên quan tới thửa đất. Các lược đồ phải đánh số thứ tự theo thứ tự ngày đo, và đóng thành tập cho từng khu vực của mỗi nhóm máy. Các lược đồ nhỏ, sau 1 hoặc 2 ngày phải chuyển vẽ sang 1 bản lớn tổng thể trong nhà, nhằm giúp công tác nội nghiệp có thể xử lý tổng thể và nắm được khái quát tiến độ đo vẽ ngoại nghiệp.       

Việc đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất được thực hiện theo hiện trạng thực tế đang sử dụng, quản lý đã được xác định theo quy định tại Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Trường hợp có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất thể hiện rõ ranh giới thửa đất (có kích thước cạnh hoặc tọa độ đỉnh thửa đất) nhưng ranh giới thửa đất trên thực địa đã thay đổi so với giấy tờ đó thì trên bản đồ địa chính phải thể hiện cả đường ranh giới thửa đất theo giấy tờ đó (bằng nét đứt) và ranh giới thửa đất theo hiện trạng (bằng nét liền). Đơn vị đo đạc phải thể hiện sự thay đổi về ranh giới thửa đất trong Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất; đồng thời lập danh sách các trường hợp thay đổi ranh giới thửa đất gửi UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với thửa đất do tổ chức sử dụng) nơi có thửa đất để xử lý theo thẩm quyền.

Trong quá trình đo vẽ chi tiết, tại mỗi trạm đo phải bố trí đo trùng ít nhất 2 điểm mia với các trạm đo xung quanh. Số chênh giữa 2 trạm đo về một điểm chung không vượt quá: ms £ 0,2 mm theo tỷ lệ bản đồ thì được phép lấy trung bình để vẽ. Nếu trạm đo là cọc phụ thì định hướng về tại trạm phát triển ra cọc phụ đó và đo kiểm tra giá trị cạnh.

Đối với khu đo cùng thời điểm đo vẽ có nhiều tỷ lệ khác nhau thì phải đánh dấu các điểm chi tiết chung của hai tỷ lệ để đo tiếp biên. Các điểm đo tiếp biên phải được đo đạc theo chỉ tiêu kỹ thuật của tỷ lệ bản đồ lớn hơn.

Khi đo vẽ chi tiết, sai số định tâm máy không quá 5 mm, định hướng máy theo hai điểm cùng cấp hoặc cấp cao hơn, trong đó có một điểm định hướng và một điểm kiểm tra. Góc đo kiểm tra so với góc cố định không quá 45”. Sau khi kết thúc trạm đo phải kiểm tra lại hướng chuẩn. Độ chênh lệch cho phép về định hướng không được vượt quá 1’ 30”.

Đo vẽ các công trình xây dựng chính trên thửa đất như nhà ở và công trình xây dựng khác với độ chính xác tương đương điểm đo vẽ chi tiết.

Để thống nhất các ranh nhà trong quá trình đo vẽ và kiểm tra sau này, quy định góc ranh nhà như sau:

- Góc ranh sau nhà:

+ Đối với nhà xây, nhà đúc, góc ranh sau nhà là phần móng nhà (nếu móng nổi trên mặt đất), là góc tường xây (nếu móng nhà chìm dưới mặt đất).

+ Đối với nhà lá, góc ranh sau nhà là góc ngoài của cột sau nhà.

- Góc ranh trước nhà:

+ Đối với nhà xây, nhà đúc, góc ranh trước nhà là phần móng nhà (nếu móng nổi trên mặt đất), là góc ngoài hiên trước (nếu móng nhà chìm dưới mặt đất).

+ Đối với nhà lá, góc ranh trước nhà là góc ngoài của cột hiên trước.

* Các phương pháp đo chi tiết:

+ Phương pháp toàn đạc:

Đặt máy đo trên các điểm khống chế đo vẽ xác định toạ độ ranh đất theo số hiệu các điểm mia trong lược đồ chi tiết. Đối với những góc ranh, góc nhà không đo vẽ được thì dùng thước thép, hoặc thước vải xác định giá trị cạnh tương quan bằng phương pháp giao hội cạnh để tính ra toạ độ điểm cần xác định.

Trong khi đo nếu hướng ngắm bị che khuất thì dùng thước kết hợp với đo góc để tính ra toạ độ điểm mia. Được phép dùng các phương pháp đường thẳng kéo dài, giao hội cạnh, đường vuông góc, hạ vuông góc để xác định điểm mia.

+ Phương pháp RTK CORS:

Với sự phát triển của công nghệ và năng lực đầu tư trang thiết bị của các đơn vị thi công hiện nay thì đây là phương pháp mang lại hiệu quả và hoàn toàn thỏa mãn các yêu cầu của công tác quản lý về chuyên môn cũng như năng suất lao động cho các đơn vị thi công.

RTK CORS là kỹ thuật đo GPS động ở thời gian thực, trong đó sử dụng trạm CORS là trạm tham chiếu.

Đối với những khu vực thành lập bản đồ tỷ lệ 1/2000 và 1/5000 khi đo vẽ chi tiết thì được phép áp dụng công nghệ RTK CORS:

* Nguyên lý hoạt động của phương pháp:

Mạng các trạm CORS được thiết lập có tọa độ trên WGS 84, các máy GNSS-RTK đo động (ROVER) được cài đặt các tham số tính chuyển từ hệ toạ độ quốc tế WGS-84 về hệ toạ độ VN-2000 (các tham số được tính toán lại theo các khu vực đo vẽ). Cả hai loại máy đồng thời thu tín hiệu từ vệ tinh, dữ liệu các mạng trạm CORS được gửi về trung tâm xử lý thông qua đường truyền được thiết kế dạng mạng WAN (nếu chỉ thiết kế 1 trạm CORS thì dữ liệu được gửi trực tiếp vào trung tâm xử lý mà không cần thiết kế mạng WAN), riêng máy động sử dụng công nghệ GPRS truyền tin (sử dụng sim điện thoại) để truyền toàn bộ số liệu về trung tâm xử lý (thông qua IP tĩnh), tại trung tâm xử lý các trị đo (trạm tĩnh và trạm động) được tính toán dạng trị đo pha, tính toán ra tọa độ WGS 84 cho các trạm động và gửi trả kết quả về cho các trạm động, trạm động sau khi nhận được số liệu kết hợp với tham số chuyển đổi để tính chuyển về hệ VN-2000. Trên màn hình cửa sổ điện tử của ROVER liên tục thông báo kết quả và độ chính xác, khi đạt được độ chính xác theo yêu cầu bấm OK để lưu kết quả vào sổ.

Các thông số kỹ thuật cài đặt trong máy rover khi đo phải đảm bảo:

+ PDOP:                                PDOP ≤ 4,0

+ Số vệ tinh:                                   Svs ≥ 4

+ Chế độ trạng thái (lời giải) Status: Fixd

- Sai số vị trí điểm Mp:

+ Đo vẽ bản đồ tỷ lệ 1/2000: HRMS ≤ 0,20 m.

+ Đo vẽ bản đồ tỷ lệ 1/5000: HRMS ≤ 0,50 m.

* Chuyển vẽ kết quả đo chi tiết:

Kết quả chi tiết ở ngoài thực địa phải được chuyển lên bản vẽ hoặc nhập vào máy tính không quá 3 ngày kể từ khi đo. Sử dụng ký hiệu bản đồ địa chính theo
quy định hiện hành để biểu thị các yếu tố nội dung của bản đồ. Khi đo chi tiết bằng các máy toàn đạc điện tử, số liệu ghi trong bộ nhớ của máy được trút vào máy vi tính, dựa vào lược đồ nối điểm mia chi tiết để vẽ bản đồ theo phần mềm Famis.

* In bản vẽ để kiểm tra:

Bản vẽ sau khi vẽ kín mảnh phải xuất bản vẽ ra giấy. Đây là bản vẽ tạm chỉ nhằm mục đích đưa ra kiểm tra, đối soát ngoài thực địa. 

* Kiểm tra chỉnh sửa tại thực địa:

Sau khi in và kiểm tra sơ bộ mang ra thực địa kiểm tra toàn bộ nội dung. Nếu phát hiện sai sót thì ghi chú vào ngay bản vẽ và bổ sung chỉnh sửa file số liệu gốc trong máy vi tính.

6. Phương pháp Đo đạc chỉnh lý, bổ sung bản đồ địa chính

a. Quy định chung:

Bản đồ địa chính được thành lập trước đã bị biến động trong quá trình sử dụng đất mà chưa được cập nhật đầy đủ kịp thời, cần phải đo đạc chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, đồng thời chuẩn hóa dữ liệu của bản đồ địa chính theo các tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định.

- Yêu cầu công tác chỉnh lý bản đồ địa chính là độ chính xác trong đo đạc chỉnh lý phải tương đương với độ chính xác của bản đồ số hiện hữu; số liệu đo phải có đại lượng đo thừa theo quy định để kiểm tra và đảm bảo độ tin cậy. Việc chỉnh lý, cập nhật phải đảm bảo chỉnh sửa liên hoàn trên bản đồ và hồ sơ địa chính. Đảm bảo tính đầy đủ, chính xác của đường địa giới hành chính các cấp. Bản đồ địa chính được chỉnh lý có hệ toạ độ VN 2000 và được biên tập theo đúng các quy định hiện hành và thống nhất với bản đồ đo vẽ mới.

- Bản đồ địa chính chỉnh lý, bổ sung phải được tiếp biên lại giữa các mảnh bản đồ đã chỉnh lý cũng như các mảnh bản đồ đo vẽ mới liền kề trong xã và xã giáp biên.

- Biên tập bản đồ sau chỉnh lý phải lưu giữ thông tin trước, sau chỉnh lý cả trên file
bản đồ lẫn các loại sổ của hồ sơ địa chính để thuận lợi cho việc đối chiếu, cập nhật,
sử dụng hồ sơ địa chính cũ - mới cho các nhu cầu khác nhau có liên quan.

Bản đồ địa chính được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp sau:

+ Xuất hiện thửa đất và các đối tượng chiếm đất mới (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);

+ Thay đổi ranh giới thửa đất và các đối tượng chiếm đất (trừ các đối tượng là công trình xây dựng và tài sản trên đất);

+ Thay đổi diện tích thửa đất;

+ Thay đổi mục đích sử dụng đất;

+ Thay đổi thông tin về tình trạng pháp lý của thửa đất;

+ Thay đổi về mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp;

+ Thay đổi về mốc giới và hành lang an toàn công trình;

+ Thay đổi về địa danh và các ghi chú trên bản đồ.

b. Cơ sở để thực hiện chỉnh lý bản đồ địa chính:

- Các thay đổi về ranh giới thửa đất, diện tích thửa đất, mục đích sử dụng đất được thực hiện trong các trường hợp: có quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất của cấp có thẩm quyền; quyết định của UBND các cấp, bản án của Tòa án nhân dân các cấp về việc giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả cấp, chỉnh lý Giấy chứng nhận trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế có liên quan đến thay đổi ranh giới, mục đích sử dụng đất; quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; có thay đổi ranh giới thửa đất do sạt lở, sụt đất tự nhiên; người sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai các cấp phát hiện có sai sót trong đo vẽ bản đồ địa chính;

- Mốc giới, đường địa giới hành chính trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp có quyết định thay đổi địa giới hành chính, lập đơn vị hành chính mới, đã lập hồ sơ địa giới, cắm mốc địa giới trên thực địa;

- Mốc tọa độ, mốc quy hoạch, hành lang an tòan công trình trên bản đồ được chỉnh lý, bổ sung trong các trường hợp mốc giới mới được cắm trên thực địa và có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Việc chỉnh lý, bổ sung thông tin về địa danh, địa vật định hướng và các thông tin thuộc tính khác do cơ quan quản lý đất đai các cấp quyết định khi phát hiện có sự thay đổi.

c. Trình tự đo đạc cập nhật biến động:

Trong quá trình đo đạc cập nhật biến động, để tránh việc đo đạc cập nhật có thể thiếu sót cần phải tuân thủ các bước cập nhật dưới đây:

Bước 1: Ghi nhận phát sinh biến động

Căn cứ vào bản đồ địa chính đang sử dụng, sổ theo dõi biến động, sổ mục kê, các văn bản pháp quy có liên quan về địa giới hành chính, hành lang an toàn công trình ở các các xã để ghi nhận các thửa đất thay đổi như chuyển nhượng, tách nhập thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng, vị trí và phạm vi biến động. .v.v. được chính quyền địa phương ghi nhận và cung cấp, đồng thời kiểm tra đối soát bản đồ địa chính với thực địa để xác định thửa đất và khu vực cần chỉnh lý.

Bước 2: Đo đạc chỉnh lý

Việc đo đạc chỉnh lý, cập nhật biến động được tiến hành ngoài thực địa, dùng máy toàn đạc điện tử để đo khi khu vực có biến động lớn hoặc bằng cách kéo thước dây đối với các khu vực biến động nhỏ, lẻ để xác định ranh giới thửa đất cần chỉnh lý, cập nhật. Những trường hợp đã có giấy chứng nhận QSDĐ, quyết định giao đất, thuê đất, quyết định giải quyết tranh chấp của tòa án thì sử dụng bản đồ hiện trạng vị trí phục vụ cho việc cấp giấy, giao đất, cho thuê đất và kết hợp kiểm tra ngoài thực địa để cập nhật vào bản đồ địa chính.

Sản phẩm của công đoạn này là các file số liệu, các số liệu đo đạc và các thông tin về thửa đất là cơ sở để cập nhật lên bản đồ số.

Bước 3: Cập nhật biến động lên bản đồ địa chính số

- Căn cứ vào số liệu đã đo vẽ ngoài thực địa để chuyển lên File bản đồ địa chính số. Khi cập nhật ranh thửa đất đồng thời phải cập nhật đầy đủ các thông tin cho thửa đất như tên người sử dụng đất, địa chỉ, mục đích sử dụng, và các thông tin liên quan đến thửa đất .v.v.

- Chuyển nội dung chỉnh lý lên bản đồ địa chính.

- Biên tập lại bản đồ địa chính theo quy định.

d. Các phương pháp đo đạc chỉnh lý:

a. Đối với các khu vực biến động nhỏ lẻ: Cho phép dùng thước dây để giao hội xác định ranh thửa đất từ ít nhất 3 điểm góc ranh rõ ràng có trên bản đồ và hiện còn tồn tại ngoài thực địa. Số liệu đo phải đủ yếu tố dựng hình và để kiểm tra.

b. Đối với các khu vực biến động lớn: Không thể dùng thước dây để xác định ranh thửa đất thì dùng máy toàn đạc điện tử để đo vẽ theo phương pháp toàn đạc. Có thể  chọn một điểm góc ranh rõ ràng để đặt máy, trong trường hợp không thể đặt máy trực tiếp vào góc ranh rõ ràng thì có thể dùng phương pháp giao hội từ 3 điểm góc ranh rõ ràng cùng có trên bản đồ và thực địa để xác định điểm đặt máy, điểm định hướng là điểm góc ranh rõ ràng, song tại các trạm máy phải đo từ 2-3 điểm địa vật rõ nét làm điều kiện kiểm tra. Đối với khu vực này có thể áp dụng công nghệ GPS động thời gian thực RTK. Trạm BASE được đặt tại các điểm địa chính hoặc các điểm hạng cao Nhà nước, các ROVER được đặt tại các điểm ranh thửa đất để xác định tọa độ trực tiếp các điểm này.

c. Đối với các khu vực biến động quá lớn không thể áp dụng một trong hai phương pháp nêu trên thì phải xây dựng lưới khống chế các cấp để đo vẽ như khi đo mới bản đồ.

Tùy theo mức độ biến động ở các khu vực là lớn hay nhỏ, mức độ khó khăn của nó mà áp dụng một trong các phương pháp nêu trên, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về độ chính xác của bản đồ địa chính đã đo vẽ.

e. Nội dung thể hiện và lưu thông tin chỉnh lý:

- Đường ranh giới mới của thửa đất được thể hiện trên bản đồ địa chính bằng màu đỏ; đường ranh giới cũ được chuyển thành lớp riêng trên bản đồ địa chính dạng số.

- Việc chỉnh lý bản đồ địa chính phải thực hiện đồng bộ với việc chỉnh lý thông tin trong sổ mục kê đất đai và các tài liệu liên quan khác.

- Việc chỉnh lý số thứ tự thửa đất được quy định như sau:

+ Trường hợp thửa đất mới phát sinh do tách thửa, hợp thửa thì hủy bỏ số thứ tự thửa đất cũ, số thửa mới được đánh số tiếp theo số thứ tự thửa đất có số hiệu lớn nhất trong mảnh bản đồ và lập “Bảng các thửa đất chỉnh lý” ở vị trí thích hợp trong hoặc ngoài khung bản đồ. Nội dung “Bảng các thửa đất chỉnh lý” phải thể hiện số thứ tự, mã loại đất và diện tích thửa đất tách, hợp đã được chỉnh lý và số thứ tự thửa, mã loại đất và diện tích mới của thửa đất đó sau chỉnh lý.

+ Trường hợp nhà nước thu hồi một phần thửa đất mà phần thu hồi không tạo thành thửa đất mới và phần diện tích còn lại không bị chia cắt thành nhiều thửa đất thì phần diện tích còn lại không thu hồi vẫn giữ nguyên số thứ tự thửa đất cũ.

7. Biên tập bản đồ địa chính

Khung và trình bày khung bản đồ địa chính thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Bản đồ địa chính được biên tập theo đơn vị hành chính cấp xã, phạm vi thể hiện của một mảnh bản đồ địa chính được giới hạn trong khung trong tiêu chuẩn.

Khung trong mở rộng của mảnh bản đồ địa chính là khung trong của mảnh bản đồ được thiết lập mở rộng thêm khi cần thể hiện các yếu tố nội dung bản đồ vượt ra ngoài phạm vi thể hiện của khung trong tiêu chuẩn. Phạm vi mở rộng khung trong của mảnh bản đồ địa chính mỗi chiều là 10 cm hoặc 20 cm so với khung trong tiêu chuẩn.

Trường hợp khi mở rộng khung trong bản đồ mà vẫn không thể hiện được trọn thửa đất thì giữ nguyên khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính, phần ngoài khung được biên tập vào mảnh bản đồ địa chính tiếp giáp bên cạnh; số thửa, diện tích và loại đất được thể hiện trên tờ bản đồ chiếm diện tích phần lớn hơn của thửa đất, còn phần nhỏ hơn của thửa đất chỉ thể hiện loại đất.

Đối với khu vực chỉnh lý bản đồ địa chính cần lưu ý thêm:

- Khi chỉnh lý các thay đổi về ranh giới thửa đất thì đường ranh giới mới của thửa đất được thể hiện trên bản đồ địa chính bằng màu đỏ; đường ranh giới cũ được chuyển thành lớp riêng trên bản đồ địa chính dạng số.

- Việc chỉnh lý số thứ tự thửa đất được quy định như sau:

+ Trường hợp thửa đất mới phát sinh do tách thửa, hợp thửa thì hủy bỏ số thứ tự thửa đất cũ, số thửa mới được đánh số tiếp theo số thứ tự thửa đất có số hiệu lớn nhất trong mảnh bản đồ và lập “Bảng các thửa đất chỉnh lý” ở vị trí thích hợp trong hoặc ngoài khung bản đồ. Nội dung “Bảng các thửa đất chỉnh lý” phải thể hiện số thứ tự, mã loại đất và diện tích thửa đất tách, hợp đã được chỉnh lý và số thứ tự thửa, mã loại đất và diện tích mới của thửa đất đó sau chỉnh lý.

+ Trường hợp nhà nước thu hồi một phần thửa đất mà phần thu hồi không tạo thành thửa đất mới và phần diện tích còn lại không bị chia cắt thành nhiều thửa đất thì phần diện tích còn lại không thu hồi vẫn giữ nguyên số thứ tự thửa đất cũ.

Các yếu tố hình học, đối tượng bản đồ địa chính phải được xác định đúng phân lớp thông tin bản đồ (level), đúng phân loại, đúng thông tin thuộc tính theo quy định tại Phụ lục số 18, đúng ký hiệu quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Trên bản đồ địa chính các thông tin về số thứ tự thửa đất, diện tích, loại đất được thể hiện bằng ký hiệu dạng hỗn số quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Đối với đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất việc khép vùng được thực hiện cho từng khu vực theo ranh giới khu đo, theo đường địa giới hành chính hoặc theo khung trong tiêu chuẩn của tờ bản đồ và được đánh số thứ tự cùng với các thửa đất.

Đối với bản đồ đo vẽ chỉnh lý, góc Tây Nam của bản đồ được ghi như sau: “Đo vẽ chỉnh lý tháng......năm ......” “Đơn vị đo vẽ chỉnh lý...............”. Thời gian đo vẽ chỉnh lý ghi theo thời gian đo chỉnh lý bản đồ mới.

Tên gọi của mảnh bản đồ địa chính gồm tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã đo vẽ bản đồ; mã hiệu mảnh bản đồ địa chính và số thứ tự của mảnh bản đồ địa chính (số thứ tự tờ bản đồ địa chính) trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp xã. Số thứ tự tờ bản đồ địa chính được đánh bằng số Ả Rập liên tục từ 01 đến hết trong phạm vị từng xã; thứ tự đánh số theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, các tờ bản đồ tỷ lệ nhỏ đánh số trước, các tờ bản đồ tỷ lệ lớn đánh số sau tiếp theo số thứ tự của tờ bản đồ tỷ lệ nhỏ. Đối với các xã (thị trấn) đo chỉnh lý, để đảm bảo dữ liệu đang quản lý tại địa phương không bị xáo trộn, tên mảnh bản đồ giữ nguyên theo số hiệu mảnh đang quản lý tại xã (thị trấn), chỉ biên tập lại bản đồ khi thay đổi đường địa giới hành chính liên quan đến mảnh bản đồ địa chính và có số lượng thửa đất biến động do đo vẽ bổ sung, chỉnh lý biến động trên bản đồ về ranh giới, số hiệu thửa, loại đất, diện tích chiếm trên 40% số lượng thửa đất trên mảnh bản đồ in trước đó. Trường hợp trong xã phát sinh khu đo do thay đổi tỷ lệ thì số mảnh bản đồ phát sinh đánh tiếp theo số mảnh cuối cùng đã có trong xã (thị trấn) đang quản lý.

Việc biên tập để in bản đồ địa chính như sau:

- Biên tập đường địa giới hành chính:

+ Trường hợp đường địa giới hành chính các cấp trùng nhau thì thể hiện đường địa giới hành chính cấp cao nhất.

+ Trường hợp đường địa giới hành chính trùng với các yếu tố hình tuyến có dạng đường một nét thì thể hiện đường địa giới hành chính so le hai bên yếu tố đó.

+ Trường hợp đường địa giới hành chính nằm giữa yếu tố hình tuyến hai nét thì thể hiện đường địa giới hành chính vào tâm của yếu tố đó khi khoảng sáng giữa ký hiệu đường địa giới hành chính với các nét của yếu tố đó không nhỏ hơn 0,2 mm trên bản đồ; trường hợp còn lại vẽ so le hai bên như trường hợp đường địa giới hành chính trùng với các yếu tố hình tuyến có dạng đường một nét.

- Các ghi chú, ký hiệu phải được bố trí vào vị trí thích hợp đảm bảo dễ nhận biết đối tượng được ghi chú, dễ đọc, tính mỹ quan của bản đồ. Trường hợp các ghi chú và các yếu tố khác trùng đè lên nhau thì ưu tiên thể hiện đúng vị trí các đối tượng theo thứ tự ưu tiên như sau: các ký hiệu dạng điểm, nhãn thửa, các ghi chú khác.

- Các thửa đất nhỏ, hẹp không thể trình bày nhãn thửa vào bên trong thửa đất thì trình bày nhãn thửa tại vị trí thích hợp ngoài thửa đất; nếu không thể trình bày nhãn thửa ở bên ngoài thửa đất thì chỉ trình bày số hiệu thửa ở bên trong hoặc bên ngoài thửa đất, đồng thời lập bảng thống kê các thửa đất nhỏ ở dưới khung nam của mảnh bản đồ. Khi trình bày nhãn thửa hoặc số hiệu thửa ngoài thửa đất thì đánh mũi tên chỉ vào thửa đó.

·        Tiếp biên và xử lý tiếp biên:

Bản đồ địa chính phải tiếp biên giữa các mảnh bản đồ địa chính trong đơn vị hành chính cấp xã và giữa các mảnh khác đơn vị hành chính cấp xã, nếu có sự sai lệch, chồng, hở phải kiểm tra lại việc đo vẽ và biên tập bản đồ địa chính để xử lý. Không cho phép sự sai lệch, chồng, hở trong mọi trường hợp đối với bản đồ địa chính được thực hiện trong cùng thời gian đo vẽ.

Hạn sai khi tiếp biên bản đồ địa chính được xác định như sau:

                              Dl = ≤  √(m1² + m2²)    

Trong đó:  - Dl: là độ lệch giữa đối tượng tiếp biên

            - m1, m2: là sai số tương ứng với từng loại tỷ lệ bản đồ quy định tại khoản 4 và 5 Điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

Nếu Dl nằm trong hạn sai cho phép nêu trên, đối với bản đồ địa chính cùng tỷ lệ thì chỉnh sửa dữ liệu ở bản đồ địa chính thành lập mới. Đối với bản đồ địa chính khác tỷ lệ đo vẽ thì chỉnh sửa dữ liệu ở bản đồ địa chính tỷ lệ nhỏ theo dữ liệu ở bản đồ địa chính tỷ lệ lớn.

Nếu Dl lớn hơn hạn sai cho phép nêu trên thì phải kiểm tra lại việc đo vẽ và biên tập bản đồ địa chính để xử lý.

Đối với bản đồ địa chính khác thời gian đo vẽ nếu phát hiện có sự sai lệch, chồng, hở mà Dl vượt quá hạn sai cho phép nêu trên thì phải kiểm tra lại sản phẩm. Mọi sai lệch, chồng, hở đơn vị thi công phải ghi thành văn bản và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định.

·       Tính diện tích

Sau khi hoàn thành việc tiếp biên và kiểm tra bản đồ thì tiến hành đánh số thửa và tính diện tích các thửa đất. Việc tính toán diện tích các thửa đất được tiến hành một lần trên máy vi tính bằng phần mềm Famis. Đơn vị tính diện tích là mét vuông (m2), diện tích thửa đất được làm tròn số đến một (01) chữ số thập phân đối với tất cả các loại tỷ lệ bản đồ.

Đối với các thửa đất có quy hoạch, thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì tính diện tích theo hiện trạng, ngoài ra trên bản đồ phải tính và để trong ngoặc phần diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch thuộc các hành lang bảo vệ an toàn công trình nhưng không đánh số thửa.

Địa vật hình tuyến nằm biên giữa 2 tờ bản đồ tuy được thể hiện đồng thời trên cả hai tờ bản đồ song chỉ tính diện tích và thống kê trên một tờ bản đồ có đánh số thửa. Trường hợp 2 tờ bản đồ có tỷ lệ khác nhau thì tính diện tích và thống kê trên bản đồ có tỷ lệ nhỏ hơn. Địa vật hình tuyến là biên giữa 2 đơn vị hành chính thì tính và thống kê diện tích đến đường ranh giới hành chính.

Các đối tượng cần tính diện tích phải được xác lập dưới dạng vùng (trừ thửa đất) không khép kín trong phạm vi thể hiện của một mảnh bản đồ địa chính hoặc phạm vi khu đo hoặc phạm vi địa giới hành chính thì được khép vùng giả theo khung trong tiêu chuẩn của mảnh bản đồ địa chính hoặc phạm vi khu đo hoặc phạm vi địa giới hành chính.

Khi chênh lệch giữa tổng diện tích của tất cả các đối tượng chiếm đất so với diện tích vùng bao trùm tất cả các đối tượng chiếm đất đó trong một mảnh bản đồ thì phải kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý các trường hợp đối tượng chiếm đất bị tính trùng hoặc bỏ sót.

8. Lập sổ mục kê đất đai

Sổ mục kê đất đai được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã.

Nội dung sổ mục kê đất đai gồm số thứ tự tờ bản đồ địa chính; số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; tên người sử dụng, quản lý đất; mã đối tượng sử dụng, quản lý đất; diện tích, loại đất theo hiện trạng

Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính và được chỉnh lý, bổ sung theo kết quả Đăng ký cấp giấy chứng nhận.

9. Lập bảng biểu tổng hợp, thống kê diện tích

 Bảng tổng hợp số thửa, diện tích, số chủ sử dụng, quản lý đất theo hiện trạng đo đạc lập bản đồ địa chính (phụ lục 16 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT).

10. Lập phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất

Sau khi bản đồ địa chính được nghiệm thu cấp đơn vị thi công, đơn vị đo đạc in Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất theo mẫu tại Phụ lục số 12 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và giao cho người sử dụng đất để kiểm tra và làm đơn đề nghị cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận hoặc đăng ký biến động theo quy định. Trường hợp phát hiện kết quả đo đạc địa chính thửa đất có sai sót thì người sử dụng đất báo cho đơn vị đo đạc kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung.

Người sử dụng đất ký xác nhận vào Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất và nộp lại cho đơn vị đo đạc để làm cơ sở nghiệm thu cấp chủ đầu tư và lập hồ sơ địa chính.

Lưu ý: Chỉ lập đối với khu vực đo mới và đo chỉnh lý có thay đổi về ranh giới thửa đất.

Quy trình thành lập bản đồ địa chính >>